Bài cảm Nhận_Nguyễn Tăng Quế Hương
Lời đầu tiên con xin gửi đến Thầy lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Hai ngày được học với Thầy là hai ngày ý nghĩa nhất trong đời con, không chỉ cho con những kiến thức về nghề tư vấn viên, mà Thầy còn dạy cho con nhiều điều trong cuộc sống, những điều mà có lẽ có dành cả đời, con cũng không ngộ được nếu như không gặp được thầy. Sau khi kết thúc lớp học này, con sẽ trở về làm con của ngày xưa, sẽ dũng cảm buông bỏ những gai góc con tự tạo nên để bảo vệ lấy mình, và có lẽ con cũng sẽ dũng cảm nắm lấy tay của người ta, sẽ đủ dũng cảm để tìm kiếm thứ giá trị nhất trong cuộc đời mỗi con người.
DỪNG LẠI ĐỂ GIỮ LẤY HẠNH PHÚC
Lời đầu tiên con xin gửi đến Thầy lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Hai ngày được học với Thầy là hai ngày ý nghĩa nhất trong đời con, không chỉ cho con những kiến thức về nghề tư vấn viên, mà Thầy còn dạy cho con nhiều điều trong cuộc sống, những điều mà có lẽ có dành cả đời, con cũng không ngộ được nếu như không gặp được thầy. Sau khi kết thúc lớp học này, con sẽ trở về làm con của ngày xưa, sẽ dũng cảm buông bỏ những gai góc con tự tạo nên để bảo vệ lấy mình, và có lẽ con cũng sẽ dũng cảm nắm lấy tay của người ta, sẽ đủ dũng cảm để tìm kiếm thứ giá trị nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Trước khi bước vào lớp học này, con đã tự tạo cho mình một vỏ bọc. Vẫn là con đó, đang cười, đang đùa, nhưng mấy ai biết rằng con đang che giấu sau đó là những sợ hãi, là sự mất lòng tin vào hai chữ “ tình yêu”. Khoảng thời gian lớp 9 – lớp 10 thật sự là khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời con. Bóng tối ấy không phải là sự sợ hãi những khi ba uống rượu về say xỉn, cãi nhau với mẹ, để rồi cầm bất cứ đồ đạc gì ném vào mẹ để mẹ phải chạy về nhà nội trong đêm tối. Bóng tối thật sự của cuộc đời con là khi con thấy mẹ khóc lặng lẽ một mình trong đêm tối, và nước mắt vẫn rơi ngay cả khi mẹ đã chìm vào giấc ngủ. Đáng sợ là thế, nhưng mẹ vẫn ở bên ba như ngày nào, ba đánh thì mẹ trốn đi, rồi lại quay về, mẹ cũng chẳng kể chuyện này cho Cố nghe, vì sợ Cố lo nghĩ nhiều. Sao mẹ của con vĩ đại thế, sao lòng mẹ bao la thế, đủ sức để yêu thương và tha thứ cho con người đáng sợ ấy, sao mẹ đủ mạnh mẽ để giấu những giọt nước mắt vào tim để không chảy trước mặt con. Hàng ngàn lần con tự hỏi vì sao mẹ không ly dị đi, đứa con gái trong con muốn hét lên thật lớn bảo mẹ ly dị, nhưng rồi con biết mẹ sẽ chẳng làm điều ấy đâu. Vì mẹ yêu ba nhiều lắm. Nhưng cũng chính điều đó làm con sợ hãi, tình yêu là gì, mà nó khiến cho con người ta dù đau khổ mấy cũng sẽ cứ tha thứ. Và con sợ cả cái gọi là rượu bia, thứ đó là gì mà khiến ba con từ một người đàn ông dù không tài giỏi bằng mẹ, nhưng đủ vững chãi, hiền từ như một cây đại thụ che chở cho gia đình trở thành một con ma men đáng sợ. Rồi con tự xây dựng cho mình một bức tường gai bao quanh trái tim, để bảo bọc lấy nó. Con tỏ ra mạnh mẽ như một thằng con trai để che đi cái yếu mềm bên trong, để biến mình thành phái mạnh, không cần sự chở che của phái mạnh khác, để có thể tự chở che cho mình và cả cho mẹ, để rồi con dần mất đi cái gọi là mềm mỏng của một người con gái. Con vẫn yêu thương mọi người xung quanh, nhưng chỉ ở giới hạn tình bạn. Để rồi khi có người quan tâm, khi người ta làm con biết cái gọi là rung động, con rụt lại vào sâu bên trong, tự tạo cho mình một khoảng cách an toàn, để tự nhủ chỉ làm bạn thôi dù biết rất rõ con vẫn muốn thử một lần nắm lấy tay người ta thật chặt nhưng lại không đủ can đảm để gỡ bỏ bức hàng rào gai bảo vệ kia.
Nhưng rồi khi theo học lớp của thầy, lần đầu tiên con thử dùng cảm xúc trí tuệ, con lùi lại, để nhìn rõ hơn quá khứ, để nhận ra điều thầy đã dạy, “đàn ông là dễ vỡ lắm”. Đối với họ, việc đứng sau vợ mình có lẽ là điều khó chấp nhận. Ba là người gây ra bạo lực không chỉ đối với gia đình mà cả với cá nhân ba, nhưng nếu như ngày xưa, mẹ mềm mỏng hơn, biết khi nào cần dừng lại trong những khi ba say, biết thấu hiểu nhiều hơn những gì ba đang cảm nhận thì có lẽ sẽ tốt hơn. Nhưng mẹ cũng là người đã biết tự tư vấn cho mình, đã biết “ biết thế bèn thôi”, mẹ biết buông tha những gì đã qua, biết dừng lại những đau khổ, oán trách để dùng tình thương và trí tuệ giữ lại gia đình. Mẹ là nương tử. Và có lẽ, người không buông được chỉ có con thôi. Nhưng “ đau khổ đến từ nơi nào thì trở về nơi đó đi”, con đã thử dừng lại, thử quên đi quá khứ, chỉ nhìn vào hiện tại. Con thử dùng tâm để cảm nhận cái tâm của người ta dành cho mình ( như thầy đã dạy, trong Thân- tâm- trí, tâm là quan trọng nhất) để biết liệu đó có phải là cái tâm chân thành không….. Và quan trọng nhất, con sẽ gỡ bỏ đi lớp gai kia, để về với cái mềm mỏng vốn có của người phụ nữ Việt Nam, và sẽ biết quý trọng hơn nữa 20 năm sống của mình.
Đến với lớp, Thầy còn dạy cho con biết cách bình tâm trước mọi vấn đề, biết “ được” và “mất” mới gọi là “có”, để từ đó, con nhìn mọi việc rõ ràng hơn, được hay mất đã không còn quan trọng nữa. Được thì tốt, còn mất thì thôi, cái quan trọng là con có được những gì sau khi “được” và “mất”. Con cũng được Thầy dạy rằng không có cái gì là sai tuyệt đối, cũng chẳng có đúng hoàn toàn, nên không được đem bất cứ chuyện gì ra để phán xét là đúng hay sai? Thầy còn dạy con biết dùng trí tuệ để nhìn nhận bản chất sự việc, biết nhận ra “ tâm tranh” để loại bỏ đi mà sống ý nghĩa hơn, biết cả ý nghĩa của hai tiếng “ gia đình”- hạnh phúc lớn nhất của đời người – nơi ta trở về sau những mệt mỏi của cuộc đời, để từ đó con biết quý trọng hơn những gì đang có. Con biết vượt qua cái mắc cỡ, ngại ngần, để nói với mẹ, với ba, con yêu ba mẹ nhiều lắm. Thầy còn dạy con cả phương pháp học tập là phải biết tiếp cận vấn đề, từ đó dùng 5W-1H để trải qua quá trình kiến-giác-tri – ngộ. Khi đó, thì kiến thức mới thực sự biến thành tri thức, thành cái thuộc về mình thật sự.
Và hơn thế nữa, Thầy đã dạy cho con nghề Tư vấn viên, dạy con biết học cách lắng nghe bằng cả tấm lòng, rồi vận dụng 5W-1H, cùng 5 ngôn ngữ và 5 quy trình để từ đó tìm ra khoảng trống của câu chuyện và đề ra phương pháp để khách hàng bù đắp khoảng trống đó. Thầy đã dạy cho con biết một cái nghề cao cả, một nghề làm đẹp cho đời và cả cho bản thân mình khi con biết tự tư vấn cho mình. Nếu như nghành y- dược của con đào tạo ra đội ngũ những người dùng thuốc, và các biện pháp y học để cứu người, thì Thầy đã và đang đào tạo ra những con người dùng sự lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để cứu, không chỉ người đó, mà còn cả gia đình người đó, và cả xã hội nữa. Một nghề thật sự cao quý và đầy ý nghĩa!!!
Con xin cảm ơn Thầy! (>.<)